top of page

9 sự thật khiến mẹ “ngã ngửa” trong quá trình sinh con

  • Writer: Nhím Xù
    Nhím Xù
  • Aug 27, 2018
  • 4 min read

Bất kỳ người phụ nữ nào rồi cũng sẽ trải qua quá trình sinh con, làm mẹ. Và hầu hết những người từng trải thừa nhận rằng việc sinh con không hẳn giống với những gì mà họ tưởng tượng. Vì thế bài viết sau sẽ đem đến những sự thật dù có phũ phàng nhưng lại vô cùng chân thực khi sinh nở, nhất là đối với mẹ đang mang thai và chuẩn bị sinh con đầu lòng.

Việc mang thai không hề đơn giản như việc mẹ chỉ mang trên mình một chiếc bụng bự suốt 9 tháng 10 ngày. Và vấn đề lại càng khó khăn hơn khi mẹ vào phòng sinh và đối mặt với “cơn đau thấu trời xanh” cùng nhiều điều ngỡ ngàng đến mức “phũ phàng” trước khi được chào đón niềm hạnh phúc mới.

Không thể kiểm soát đại tiện

Có thể mẹ không lường trước được vấn đề này, nhóm cơ để mẹ rặn sinh phần nào lại trùng khớp với nhóm cơ dùng để đại tiện. Và không tránh khỏi trường hợp mẹ đang rặn đẻ mà rặn ra cả… phân lúc nào không hay.

Có nhiều bệnh viện sẽ thụt rửa cho mẹ trước khi sinh để đảm bảo vệ sinh. Hoặc không thì mẹ hoàn toàn có thể dùng thuốc làm mềm phân và thụt tại nhà ngay khi có những dấu hiệu chuyển dạ đầu tiên. Dẫu biết đây là hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng hẳn mẹ sẽ e ngại lắm nếu tình trạng này không may xảy ra đúng không nào.

Quá trình sinh con có thể không xúc động như mẹ nghĩ

Đa số các mẹ trước ngày sinh thường hình dung khoảnh khắc đươc nhìn thấy con yêu sẽ là giây phút cảm động khó quên. Tuy nhiên thực tế ngược lại, việc đau đẻ kéo dài cộng với sức lực suy kiệt nghiêm trọng sẽ làm mẹ cảm thấy trống rỗng khi được nhìn con lần đầu tiên. Phải trải qua thời gian hồi sức và cơn đau giảm bớt thì mẹ mới nhận thấy niềm vui sướng khó tả khi được bế con yêu trên tay.



Cảm giác đau đẻ có thể kéo dài đến…hàng chục tiếng

Một dấu hiệu cho biết quá trình chuyển dạ bắt đầu dễ nhận biết nhất chính là cảm giác đau thắt tử cung dồn dập. Ở mỗi mẹ bầu sẽ có từng cảm nhận ở những vị trí khác nhau, người thì cơn đau đến từ bên trong, người thì đau ở mông và đùi, hoặc đau bụng dưới khủng khiếp. Tuy nhiên, nếu mẹ thuộc ca sinh khó thì có thể chuyển dạ kéo dài từ 12 – 16 tiếng đồng hồ, và nếu kéo dài hơn thời gian cho phép của quá trình sinh con bình thường thì bác sĩ sẽ xem xét việc mổ lấy thai để đảm bảo an toàn.

Tiếp tục rặn khi con đã chào đời

Hoạt động co thắt vẫn tiếp tục sau khi quá trình sinh con kết thúc, nguyên nhân là do mẹ cần rặn đẩy nhau thai cũng như các dịch còn sót lại ra ngoài. Rặn đẩy nhau thai khi sức lực đã cạn kiệt sẽ khiến mẹ khó chịu, nếu sơ sót trong khâu thực hiện này thì mẹ có thể bị sót nhau gây viêm nhiễm và ảnh hưởng đến quá trình sinh con lần sau.

Đặt ống thông tiểu trong quá trình sinh mổ

Hầu hết các mẹ sinh mổ khi vàp phòng sinh sẽ không nhận ra điều này và gây ra một số khó chịu nhất định cho người mẹ khi chuyển dạ. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp mẹ nằm ổn định một chỗ và không phải lo lắng về những bất ngờ phát sinh gây ảnh hưởng đến ca mổ của mẹ.


Mẹ cần rất nhiều sự hỗ trợ từ y tế trong quá trình sinh con


Mẹ chửi bậy trong lúc sinh

Một “thói xấu” của các mẹ sinh con chính là khó kiềm chế được tính khí và lời nói của mình. Tuy vậy, điều này cũng thật khó trách bởi đây là phản ứng của cơ thể trước cơn đau chuyển dạ và sự thay đổi hormone gây ra. Để phòng tránh những lời nói xấu hổ này, mẹ hãy chuẩn bị tâm lý bình tĩnh nhất để việc sinh nở diễn ra thuận lợi và ý nghĩa nhất mẹ nhé!

Cơn đau đẻ không hoàn toàn giống nhau

Một nguyên nhân khiến cơn đau đẻ khác nhau ở mỗi thai phụ là do vị trí của thai nhi. Cảm giác cơn đau chuyển dạ kéo đến sẽ làm mẹ thấy nặng nề ở vùng xương chậu và chân.

Nếu như em bé quay mặt với bụng mẹ thì cơn đau sẽ nhiều hơn ở phía trước, vị trí ngang bụng mẹ và bắt đầu xê dịch xuống cổ tử cung. Nếu bé nằm quay lưng về phía lưng thì mẹ sẽ phải chịu cơn đau khủng khiếp ở nơi thắt lưng lan dần đến xương chậu.


Cơn đau trong quá trình sinh con chính là điều “ám ảnh” các chị em nhất

Bác sĩ sẽ không ở bên cạnh mẹ 100%

Có thể mẹ sẽ nghĩ quá trình sinh con luôn có bác sĩ túc trực bên cạnh, tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm thì bác sĩ phụ trách đỡ đẻ cho mẹ sẽ chỉ ghé thăm một lúc để kiểm tra dấu hiệu cổ tử cung mở. Nếu mẹ vẫn chưa có chuyển biến đáng kể thì các y tá sẽ tiếp tục theo dõi và thông báo với bác sĩ ngay khi mẹ sẵn sàng cho ca sinh. Vì thế, hãy chuẩn bị tâm lý vững vàng và đừng phụ thuộc quá vào bác sĩ nhé!

Thề sống chết không đẻ mà vẫn… đẻ lần 2, lần 3

Một sự thật khó phủ nhận là người mẹ nào cũng cảm thấy ám ảnh đối với việc mang thai và quá trình sinh con. Theo thống kê, có hơn 80% chị em hứa với lòng rằng tuyệt đối không sinh con thêm lần nào nữa sau khi ra khỏi phòng sinh. Thế nhưng sau đó thì 75% vẫn tiếp tục mang thai và sinh con lần 2,  lần 3 bởi làm mẹ quả thực là niềm hạnh phúc lớn lao đối với người phụ nữ.

 
 
 

Comments


© 2023 by COOL BABIES. Proudly created with Wix.com

  • b-facebook
  • Twitter Round
bottom of page